Cách tính tiền lương theo ngày công là việc rất quan trọng của C&B và kế toán. Tiền lương luôn luôn được đặt lên hàng đầu bởi vì đây vừa là mục tiêu đi làm vừa là động lực để người lao động phấn đấu trong công việc. Thông thường bộ phận kế toán của doanh nghiệp chịu trách nhiệm tính lương theo tháng, theo ngày công đi làm cho nhân viên.
Một tổ chức muốn phát triển lâu dài không chỉ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực mà còn phải biết cách giữ chân nhân tài bằng chính sách lương thưởng phù hợp.
Lương và một số quy định về lương
Lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận bao gồm: Mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Theo quy định thì mức lương này không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Cụ thể:
– Vùng I: 4,18 triệu đồng/tháng
– Vùng II: 3,71 triệu đồng/tháng
– Vùng III: 3,25 triệu đồng/tháng
– Vùng IV: 2,92 triệu đồng/tháng
Tùy thuộc vào điều kiện kinh doanh, tính chất công việc mà doanh nghiệp trả lương theo các cách khác nhau. Hiện nay có 3 hình thức trả lương khác nhau được doanh nghiệp áp dụng: Trả lương theo thời gian (giờ, ngày, tháng), trả lương theo sản phẩm và trả lương khoán. Trong đó hình thức trả lương theo thời gian phổ biến hơn bởi nó đem lại lợi ích cho cả người lao động và người sử dụng lao động:
– Chính xác theo thời gian làm việc thực tế của người lao động
– Là cơ sở để tính mức phụ cấp, trợ cấp chế độ
– Là căn cứ để tính tiền lương làm thêm giờ, tiền bồi thường khi một trong 2 bên đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật.
Hướng dẫn cách tính lương tháng theo ngày công
Như chúng tôi đã đề cập ở trên, tính lương theo thời gian có lợi cho cả 2 bên nên rất nhiều doanh nghiệp lựa chọn hình thức này.
Đối với người lao động làm theo ngày hoặc muốn biết một ngày công lao động trong tháng của mình được bao nhiêu tiền thì cần dùng đến cách tính lương theo ngày công sau đây:
Theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH, tiền lương theo ngày công được xác định theo công thức sau:
Tiền lương 1 ngày = Tiền lương tháng : Số ngày làm việc bình thường trong tháng
Chú ý:
– Số ngày làm việc bình thường trong tháng thường sẽ do doanh nghiệp lựa chọn nhưng tối đa không quá 26 ngày theo quy định.
– Doanh nghiệp phải quy định ngày công chuẩn trong hợp đồng lao động, nội quy lao động, thể hiện cách tính lương trong quy chế lương thưởng chung của doanh nghiệp.
Ví dụ:
Tiền lương tháng áp dụng chung cho lao động phổ thông tại một công ty A là 6 triệu đồng/tháng (26 ngày). Anh Nguyễn Văn B là nhân viên bảo vệ, làm giờ hành chính. Anh nghỉ thứ bảy và chủ nhật. Tháng 4 năm 2019 có 30 ngày, anh đi làm 22 ngày theo đúng lịch.
Tiền lương tháng 4 của anh A = 6.000.000 : 26 x 22 = 5.076.923 đồng
Trên đây là hướng dẫn cách tính lương tháng theo ngày công đơn giản, dễ hiểu nhất. Bạn có thể áp dụng ngay để có thể tính ra lương của mình nhé.
Xem thêm: