Lãnh đạo thích ứng là phương pháp quản lý khuyến khích sự sáng tạo và cởi mở nhắm đưa ra những phương án, kế hoạch đột phá. Phong cách lãnh đạo này cũng đặc biệt phù hợp với môi trường đầy bất ổn như hiện nay.
Năm 2003, sự cạnh tranh trên thị trường điện tử tiêu dùng ở Hoa Kỳ đặc biệt gay gắt. Các công ty Wal-Mart, Target và Costco đã đe dọa giành thị phần từ các công ty hàng đầu lâu năm là Best Buy và Circuit City.
Phó chủ tịch của Best Buy, Julie Gilbert, nhận ra rằng công ty của cô đã bỏ lỡ một cơ hội quan trọng để tăng doanh số bán hàng. Trong lịch sử, doanh nghiệp tập trung vào khách hàng nam, trẻ tuổi và đã bỏ qua ảnh hưởng đáng kể của phụ nữ.
Sau khi phát hiện ra insight quan trọng đó, Best Buy đã tập trung vào khách hàng nữ bằng cách làm cho các cửa hàng của mình trở nên hấp dẫn hơn đối với phái yếu. Họ mở rộng lối đi cho xe đẩy trẻ em, làm dịu ánh sáng gay gắt và giảm âm lượng của nhạc nền. Bốn năm sau, Best Buy đã tăng $4,4 tỷ USD doanh thu từ khách hàng nữ tức là tăng 11% tổng doanh thu. Phần lớn trong số đó được ghi nhận là nhờ sự thay đổi chiến lược của Gilbert.
Giống như Best Buy, tất cả các doanh nghiệp phải thích ứng với các môi trường kinh doanh khác nhau. Điều đó có thể đến từ các yếu tố ngoại cảnh như nền kinh tế, chính trị, công nghệ hay yếu tố bên trong như sự xung đột, kỳ vọng của nhân viên,… Không phải biến động nào cũng xấu, vì thế các nhà lãnh đạo cần tìm cách thích nghi và chuyển hóa những thách thức thành cơ hội để làm lợi thế cạnh tranh, tiếp tục phát triển.
Vì vậy, cách tốt nhất để làm điều này là gì? Áp dụng phương pháp lãnh đạo thích ứng là một trong những chiến lược hữu ích. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu khả năng lãnh đạo thích ứng là gì và sẽ suy nghĩ về cách bạn có thể sử dụng nó để quản lý những thay đổi bất ngờ trong môi trường kinh doanh.
Nội dung
ToggleThế nào là lãnh đạo thích ứng?
Lãnh đạo thích ứng hay được gọi là Adaptive Leadership được giáo sư Ron Heifetz mô tả là một tập hợp các chiến lược và thực hành mà bạn có thể sử dụng để vượt qua những trở ngại. Việc thực hiện thay đổi phải có ý nghĩa và thích ứng với những môi trường phức tạp.
Dựa vào lý thuyết về sinh học tiến hóa, ông cho rằng thực vật và động vật thích nghi với các điều kiện thay đổi theo thời gian. Chúng giữ những gì cần thiết cho sự tồn tại của mình, trong khi những thứ không cần thiết có xu hướng biến mất khi các loài tiến hóa.
Tương tự như vậy, lãnh đạo thích ứng là lấy kiến thức, kỹ năng và giá trị hữu ích nhất từ quá khứ để làm thích ứng với tương lai.
Theo Heifetz, quá trình lãnh đạo thích ứng có ba giai đoạn:
- Quan sát các sự kiện và mô hình.
- Giải thích và phát triển giả thuyết.
- Thiết kế các biện pháp can thiệp.
Các bước này được thực hiện lặp đi lặp lại cho đến khi nào bạn cảm thấy hài lòng với giải pháp của mình.
1. Ưu điểm
- Với tổ chức có khả năng thích nghi với sự thay đổi tốt sẽ có xu hướng hoạt động tốt hơn về mặt tài chính so với các tổ chức khác. Bởi vì khi đó các doanh nghiệp linh hoạt, nhanh nhẹn nên sẽ là lợi thế cho sự phát triển mạnh mẽ kể cả trong những giai đoạn nhiều biến động
- Khi kết hợp lãnh đạo thích ứng (Adaptive leadership) và lãnh đạo chuyển đổi (Transformational leadership) với nhau sẽ có thể tạo ra những người có khả năng chèo lái con thuyền tổ chức vượt qua mọi giông bão. Họ nâng cao tinh thần bằng cách đưa ra các giải pháp cho vấn đề với các thành viên khác trong nhóm và sau đó liên tục điều chỉnh những ý tưởng đó cho đến khi chúng trở nên tốt nhất. Cách tiếp cận lặp đi lặp lại này có nghĩa là quyết định cuối cùng thường là quyết định hiệu quả nhất.
- Quá trình đưa ra nhiều giải pháp góp phần xây dựng một văn hóa nơi mà mọi người có thể có những cuộc tranh luận lành mạnh với nhau. Nó cũng cho phép họ tạo ra những ý tưởng của riêng họ và suy nghĩ một cách độc lập.
2. Nhược điểm
- Trong quá trình khám phá những khả năng mới, phong cách lãnh đạo thích ứng có thể mang lại một sự không chắc chắn. Vì vậy, điều này có thể tạo ra xích mích giữa các thành viên trong nhóm. Các nhà lãnh đạo cũng sẽ cảm thấy không hài lòng khi ý tưởng của họ bị phản đối bởi quan điểm của người khác.
- Đây cũng không phải là một phong cách lãnh đạo phù hợp trong mọi tình huống. Với những tình huống khó đoán và bất ổn, lãnh đạo thích ứng (adaptive leadership) sẽ phù hợp hơn là ở trong những trường hợp ổn định. Hoặc cũng có thể khi thị trường đã bão hòa, lãnh đạo cũng cần có kế hoạch đột phá để đổi mới và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.
- Lãnh đạo thích ứng không phù hợp trong những trường hợp cần ra quyết định nhanh và quan trọng. Sự lựa chọn khôn ngoan ở những tình huống này là phương pháp tiếp cận lãnh đạo chuyên quyền.
Làm thế nào để trở thành người có phong cách lãnh đạo thích ứng?
Để trở thành một nhà lãnh đạo thích ứng, bạn cần phải quan tâm đến 4 khía cạnh sau đây:
- Điều hướng môi trường kinh doanh
- Lãnh đạo, dẫn dắt bằng sự đồng cảm
- Học thông qua sự tự sửa chữa
- Tạo các giải pháp để 2 bên cùng có lợi (Win-Win)
1. Điều hướng môi trường kinh doanh
Các nhà lãnh đạo thích ứng phải chấp nhận rủi ro khi áp dụng những cách tiếp cận mới để doanh nghiệp vận hành tốt trong môi trường có thể xảy ra biến động.
- Tìm kiếm ý kiến đóng góp từ các thành viên trong nhóm ở tất cả các cấp của tổ chức. Những người ở vai trò cấp dưới có nhiều khả năng chỉ trích các quy trình và đưa ra những câu hỏi mang tính thách thức hơn so với những người ở cấp cao.
- Chia sẻ vai trò lãnh đạo. Không có ai là người lãnh đạo tốt nhất trong mọi tình huống. Do đó, bạn nên phân bổ trách nhiệm lãnh đạo cho những người phù hợp để đưa ra các quyết định cụ thể nhằm đạt được kết quả tốt nhất cho tổ chức.
- Đặt câu hỏi về thế giới xung quanh bạn. Không ngừng khám phá rủi ro và kiểm tra các nhận định của bạn bằng cách tạo ra các tình huống giả sử “điều gì xảy ra nếu”.
- Cố gắng tìm ra các xu hướng và mô hình thay vì tập trung vào những chi tiết vụn vặt của hoạt động hàng ngày.
2. Lãnh đạo, dẫn dắt bắng sự đồng cảm
Các nhà lãnh đạo thích ứng tạo ra cảm giác chung về mục đích và quản lý thông qua sự ảnh hưởng hơn là chỉ huy và kiểm soát. Để làm được điều này, bạn nên:
Nhìn nhận sự việc xung quanh từ quan điểm của người khác
Phương pháp Tiếp cận lãnh đạo nhiều thành phần (The Four Frame) và mô hình ORAPAPA có thể dạy bạn quản lý các tình huống khó khăn bằng cách xem chúng từ các khía cạnh khác nhau.
Phát triển mối quan hệ với nhóm của bạn
Trước khi có thể gây ảnh hưởng đến người khác, bạn cần tạo mối liên hệ cá nhân với họ. Để làm như vậy, bạn cần hiểu niềm tin, giá trị và mối quan tâm của họ. Bạn có thể tăng cường mối quan hệ với các thành viên trong nhóm bằng cách nâng cao EQ – trí tuệ cảm xúc của mình.
Mục đích mà bạn đang hướng tới là gì?
Bạn hãy thúc đẩy nhóm bằng cách trình bày một tầm nhìn rõ ràng về tổ chức của bạn và sứ mệnh của tổ chức. Những điều này phải phù hợp với giá trị của các thành viên trong nhóm, mang lại ý nghĩa lớn hơn cho công việc của họ.
Khen thưởng
Ghi nhận thành tích của các thành viên trong nhóm. Phần thưởng không cần phải là tiền; chẳng hạn, bạn có thể giao cho mọi người những dự án thú vị hoặc trách nhiệm bổ sung, tùy thuộc vào điều gì sẽ thúc đẩy họ. Bằng cách này, bạn sẽ xây dựng lòng trung thành và sự cam kết của họ đối với tổ chức và mục tiêu của bạn.
3. Học thông qua sự tự sửa chữa
Các nhà lãnh đạo thích ứng khuyến khích thử nghiệm. Tất nhiên, đôi khi ý tưởng thất bại, nhưng đó là cách họ học hỏi.
Xây dựng lòng tin:
Để các thành viên trong nhóm chia sẻ ý tưởng, họ cần cảm thấy thoải mái. Vì vậy, xây dựng niềm tin trong nhóm sẽ giúp bạn tạo ra sự gắn kết trong nhóm của mình. Bạn cũng có thể xây dựng sự tự tin của các thành viên trong nhóm để lên tiếng và tham gia vào một cuộc tranh luận lành mạnh.
Khuyến khích sự sáng tạo:
Càng nhiều ý tưởng, thì càng có nhiều khả năng tìm ra những giải pháp hiệu quả. Để khơi dậy khả năng sáng tạo của nhóm bạn, hãy khuyến khích họ động não và nếu một số thành viên trong nhóm thống trị các cuộc trò chuyện, hãy cân nhắc sử dụng các kỹ thuật như Round-Robin Brainstorming hoặc phương pháp Crawford’s Slip-Writing để mọi người có cơ hội đóng góp.
Nuôi dưỡng môi trường học tập:
Là một phần của quá trình này, bạn nên khuyến khích mọi người đưa ra các ý kiến đa dạng và đưa ra các giải pháp thay thế.
Thử nghiệm và kiểm tra ý tưởng:
Thử nghiệm giúp bạn kiểm tra ý tưởng của mình và thu thập thêm thông tin trước khi bạn cam kết nguồn lực đáng kể cho một dự án lớn. Để tiến hành một thử nghiệm, hãy làm việc với nhóm của bạn để tạo ra giả định, thiết kế thử nghiệm của bạn, thực hiện và phân tích kết quả. Đôi khi, bạn có thể lặp lại, dựa trên những gì bạn đã học, cho đến khi bạn đi đến giải pháp tốt nhất có thể.
Quản lý sự không chắc chắn:
Mọi người cần phải di chuyển ra khỏi vùng an toàn của họ nên bạn cần phải kiếm soát được những rủi ro có thể xảy ra.
4. Tạo các giải pháp để 2 bên cùng có lợi (Win-Win)
Các nhà lãnh đạo thích ứng không chỉ tập trung vào việc đạt được thành công cho doanh nghiệp mà còn cho những bên liên quan (stakeholders). Hãy hợp tác và phát triển theo tư duy Win-Win:
- Xây dựng sự chấp nhận: Thay đổi càng nhanh thì càng ít bị gián đoạn. Vì vậy, học cách quản lý thay đổi cũng như chấp nhận chúng để giúp sự đổi mới diễn ra suôn sẻ và thông báo về sự không chắc chắn của tổ chức một cách hiệu quả.
- Cho phép những đơn vị, tổ chức có liên quan đến doanh nghiệp của mình cùng tham gia trong quá trình ra quyết định cũng như xây dựng và đóng góp ý kiến.
- Thay vì cạnh tranh căng thẳng, lãnh đạo thích ứng – adaptive leadership giúp kết nối với mạng lưới và cộng đồng xung quanh để cùng nhau nâng cao và phát triển.
Lưu ý:
Ý tưởng về lãnh đạo thích ứng là một bước đệm cho những ý tưởng hiện đại về cách quản lý trong các môi trường thay đổi nhanh, năng động cao.
Áp dụng vào cuộc sống:
Kỹ năng lãnh đạo thích ứng cũng có thể hữu ích bên ngoài môi trường công việc:
- Trong một cuộc xung đột cá nhân, bạn nên thể hiện sự khiêm tốn và tập trung lắng nghe ý kiến của người khác thay vì áp đảo bằng quan điểm cá nhân của bản thân mình.
- Áp dụng các kỹ năng giải quyết xung đột của bạn cho các vấn đề với thành viên trong gia đình hoặc bạn bè. Thay vì tập trung vào vấn đề, hãy cùng nhau tìm ra và lựa chọn những cách giải quyết tốt nhất.
- Hãy hỏi ý kiến người khác trước khi đưa ra quyết định quan trọng.
- Ủy quyền và cho phép họ làm tự chủ công việc của mình để tạo dựng niềm tin cho họ.